Sân khấu tương tác

early-days-1-1.jpg

Khái niệm

Sân khấu tương tác là một hình thức trình diễn hoặc tác phẩm sân khấu phá vỡ “bức tường thứ tư” ngăn cách người biểu diễn với khán giả theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Trong cách trình diễn theo kiểu truyền thống, tác phẩm được giới hạn ở một khu vực sân khấu định sẵn và được hé lộ từng chút một cho khán giả, những người quan sát thụ động. Trong sân khấu tương tác, khán giả được khích lệ tham gia vào tác phẩm một cách tích cực.

Hình thức

Sân khấu tương tác không có một định dạng hoặc phương pháp duy nhất, nó có thể sử dụng nhiều kỹ thuật từ “Sân khấu của người bị áp chế” (Theatre of the Oppressed) của Augusto Boal, nhưng cũng dựa vào một loạt các phương pháp và kỹ thuật khác, cả ở khía cạnh trình diễn nghệ thuật cũng như khía cạnh phát triển cộng đồng. Và mặc dù có đặc điểm chung là đều hướng về công bằng xã hội nhưng mỗi cách thể hiện lại có thể mô tả các vấn đề, cách tiếp cận và triết lý riêng của mỗi dự án hoặc mỗi đoàn nghệ thuật.

Các mức độ tương tác

Không gian vật lý

  • Sân khấu nhập vai (Immersive theatre): đưa khán giả vào cùng một không gian với người biểu diễn, xóa sạch mọi bức tường ngăn cách khán giả khỏi người biểu diễn, ví dụ: khán giả có thể được nhờ giữ đạo cụ,
  • Sân khấu trong một bối cảnh thật (Site-specific theatre): Những tác phẩm được thiết kế để thực hiện tại một địa điểm duy nhất, được điều chỉnh đặc biệt, bên ngoài không gian của một sân khấu tiêu chuẩn. Địa điểm này ban đầu có thể được xây dựng mà không có ý định phục vụ trình diễn sân khấu, ví dụ: khách sạn, trong sân hoặc trong một tòa nhà, thậm chí là bãi rác hoặc trong rừng. Cách làm này thường cho phép sự tương tác nhiều hơn giữa người trình diễn và khán giả so với nhà hát thông thường, ví dụ khán giả có thể đi bộ hoặc di chuyển cùng với diễn biến câu chuyện chứ không ngồi cố định một chỗ.

Ý tưởng và câu chuyện

  • Khán giả có thể gợi ý các hành động cho người trình diễn (như trong kịch ứng tác)
  • Khán giả có thể trở thành nhân vật trong buổi biểu diễn để thử nghiệm các giải pháp mà họ nghĩ ra, 
  • Khán giả có thể thay đổi toàn bộ vở kịch bằng cách tham gia một cuộc bỏ phiếu tập thể để giúp lái cốt truyện theo một hướng mới (như trong sân khấu diễn đàn/forum theatre của Augusto Boal)
  • Trong môi trường trị liệu và giáo dục, khán giả thậm chí có thể được mời để thảo luận về các vấn đề thích hợp đối với người trình diễn.

Vai trò và ý nghĩa

Sân khấu tương tác không chỉ để giải trí, nó thường được thực hiện để minh họa cho các cuộc tranh luận chính trị và đạo đức trong đời thực, cho phép khán giả tham gia và trở thành trung tâm của chương trình.

Ở những mức độ tương tác cao, khán giả được trao cơ hội đóng vai nhân vật chính trên sân khấu, và có thể tương tác với các diễn viên, điều này tạo cảm giác những gì đang diễn ra là thật. Hình thức này cũng kích thích suy nghĩ, đối thoại và thúc đẩy sự thay đổi thông qua sự tương tác giữa khán giả và diễn viên và giữa những người tham gia. Nó tạo ra khả năng giải quyết nhiều vấn đề trong cộng đồng và được sử dụng để hướng tới các mục tiêu khác nhau: giáo dục, đối thoại, thấu cảm, khám phá về niềm tin và hành vi, xem xét các lựa chọn và hệ quả, thúc đẩy hợp tác và hành động. 

Leave a comment